* Nguyên nhân do bệnh
Một số bệnh về thận, đường tiết niệu có thể gây tiểu buốt và ra máu có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): ảnh hưởng đến đường tiết niệu, bao gồm: bàng quang (viêm bàng quang), niệu đạo (viêm niệu đạo) hoặc thận (nhiễm trùng thận). Tiểu máu là dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra.
- Các bệnh lây qua đường tình dục: như giang mai, lậu, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục… gây nhiễm trùng, nhiễm vi-rút tại bộ phận sinh dục, vết loét bên trong, bên ngoài lỗ tiểu gây tiểu buốt, tiểu máu
- Viêm bàng quang: là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ảnh hưởng đến bàng quang, dễ mắc phải ở nữ giới hơn nam giới. Bệnh thường tự thuyên giảm nhưng đôi khi có thể được điều trị bằng kháng sinh. Một số người bị viêm bàng quang thường xuyên và có thể cần điều trị thường xuyên hoặc lâu dài. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến bàng quang có thể khiến máu lẫn trong nước tiểu tại bàng quang, gây tiểu máu. Nhiễm trùng lan từ đường tiểu đến bàng quang thường gây cảm giác nóng rát, đau buốt khi đi tiểu.
- Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang: có thể gây tắc nghẽn đường tiểu và là nguyên nhân gây tiểu máu. Cơn đau quặn thắt, gây tiểu buốt và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Phì đại tuyến tiền liệt: tiểu máu là một biến chứng phổ biến của bệnh phì đại tuyến tiền liệt (BPH) hoặc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính không được điều trị. Vì tuyến tiền liệt liên quan trực tiếp đến đường tiết niệu nên không có gì ngạc nhiên khi bất kỳ sự rò rỉ máu nào liên quan đến sự phì đại này sẽ bị tống ra ngoài qua niệu đạo.
- Ung thư hệ tiết niệu: ung thư hệ tiết niệu có khả năng xảy ra nhất là ung thư bàng quang, mặc dù tiểu máu cũng có thể là dấu hiệu của ung thư thận (ung thư tế bào thận) hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Máu trong nước tiểu có nhiều khả năng là triệu chứng ung thư ở nam giới hơn nữ giới, chủ yếu là do nam giới có khả năng mắc ung thư bàng quang với tỷ lệ cao gấp khoảng 4 lần so với nữ giới.